vien+84 83 878 1919
·
info@vlic.vn
Thứ 2 - Thứ 7 08:00-17:30
·
vien+84 83 878 1919
·
info@vlic.vn
Thứ 2 - Thứ 7 08:00-17:30
·
Quality
Highest Priority
Service
Diversity of Services
Customer
Always Be The Centric
Nhận Ngay Tư Vấn

Luật Đầu Tư 2020

Ngày 17/6/2020 Quốc Hội chính thức thông qua Luật Đầu tư 2020 thay thế Luật Đầu tư 2014 và sẽ có hiệu lực ngày 01/01/2021.

1. Định nghĩa đầu tư kinh doanh

Luật Đầu tư 2020 thay đổi khái niệm “Đầu tư kinh doanh”, theo đó khoản 8 Điều 3 “Đầu tư kinh doanh” được định nghĩa là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh.1

2. Quan hệ giữa Luật Đầu tư và các luật liên quan

Luật Đầu tư 2020 quy định bổ sung điểm d khoản 3 Điều 4 quy định trường hợp áp dụng theo Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản trong trường hợp có sự xung đột giữa Luật Đầu tư với các luật liên quan này.2

3. Đối với ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh

Luật Đầu tư 2020 chính thức bổ sung “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục các ngành nghề đầu tư kinh doanh bị cấm quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư 2020.3

4. Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện4

❖ Bãi bỏ
Luật đầu tư 2020 đã bãi bỏ nhiều ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc nhóm ngành, nghề dịch vụ5 và các nhóm ngành khác như nhượng quyền thương mại, xử lý chất thải, sản xuất, sửa chữa chai chứa dầu khí dầu mỏ hóa lỏng, y tế6 theo quy định tại Phụ lục IV Luật Đầu tư 2020.
Việc bãi bỏ một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện ở Luật Đầu tư 2014 nhằm hoàn thiện quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời cắt giảm một số ngành, nghề không cần thiết, bất hợp lý nhằm tiếp tục bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện.

❖ Sửa đổi
Luật này còn sửa đổi các ngành, nghề thuộc nhóm ngành, nghề dịch vụ và một số nhóm ngành, nghề khác như môi giới, mua bán, nông nghiệp, xuất – nhập khẩu, vận tải, xây dựng, tên miền.7

❖ Bổ sung thêm
Ngoài ra Luật mới còn bổ sung thêm một số ngành, nghề thuộc các nhóm ngành, nghề dịch vụ, nước sinh hoạt, đăng kiểm tàu cá, đào tạo, bồi dưỡng thuyền viên tàu cá,…8 tại Phụ lục IV Luật Đầu tư 2020.

5. Ngành, nghề kinh doanh được hưởng ưu đãi đầu tư

So với quy định trong Luật Đầu tư 2014, Luật Đầu tư 2020 bổ sung một số ngành, nghề như giáo dục đại học, sản xuất các sản phẩm, hàng hóa, trang thiết bị, cung cấp dịch vụ, bảo quản thuốc, sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 16 Luật Đầu tư 2020.9

6. Đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư

Theo quy định tại Điều 15 Luật Đầu tư 202010 bổ sung một số đối tượng ưu đãi được cập nhật phù hợp với quan điểm, định hướng, chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực, địa bàn của Đảng và Nhà nước.

7. Trường hợp không phải bảo đảm thực hiện dự án đầu tư

Luật Đầu tư 2020 đã bổ sung thêm 04 trường hợp không phải bảo đảm thực hiện dự án đầu tư đối với các nhóm nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất; nhà đầu tư trúng đấu thầu thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất và nhà đầu tư được nhà nước giao đất cụ thể theo quy định tại Điều 43 Luật Đầu tư 2020.11

8. Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài

Luật Đầu tư 2020 sẽ ban hành Danh mục các ngành nghề hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể là: Danh mục ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường.12

9. Hoạt động đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài

Quy định thay đổi về tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đầu tư.13

10. Góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp

Bổ sung quy định, điều kiện khi nhà đầu tư nước ngoài thực hiện góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế.14

11. Lựa chọn nhà đầu tư

Luật Đầu tư 2020 đã bổ sung thêm điều khoản mới quy định về việc lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án đầu tư thông qua các hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu và chấp thuận quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 29 Luật Đầu tư 2020.15

12. Điều chỉnh dự án đầu tư

Ở Luật Đầu tư 2020 đã khái niệm rõ ràng và hướng dẫn cụ thể hơn về trường hợp nhà đầu tư có thể điều chỉnh dự án đầu tư quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật Đầu tư 202016 . Đối với việc điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư, thì luật này chỉ giới hạn thời gian điều chỉnh tiến độ không quá 24 tháng so với tiến độ thực hiện dự án đầu tư được chấp thuận lần đầu đối với dự án đầu tư chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời bổ sung các trường hợp không được phép điều chỉnh dự án đầu tư quy định tại khoản 4 Điều 41 Luật Đầu tư 2020.17

13. Thời hạn hoạt động dự án đầu tư

Sự bổ sung hoàn toàn mới mà ở Luật Đầu tư 2014 không quy định là khi hết thời hạn hoạt động dự án đầu tư, thì được xem xét gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư quy định tại Khoản 4 Điều 44 Luật đầu tư 2020.18

14. Chấm dứt hoạt động dự án đầu tư

Bổ sung các trường hợp mà nhà đầu tư được chấm dứt hoặc chấm dứt một phần dự án đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 48 Luật Đầu tư 2020.19

15. Thủ tục đầu tư

Quy định cụ thể các trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế, bổ sung trường hợp góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.20

16. Điểm mới về nơi nộp hồ sơ dự án đầu tư

Thay đổi nơi nộp hồ sơ đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ.21

17. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư

Bổ sung điều kiện đối với các dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư.22

18. Bổ sung ngành, nghề cấm đầu tư ra nước ngoài và các ngành nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện.

Ban hành quy định mới về các ngành nghề đầu tư kinh doanh bị cấm và ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thực hiện ở ngoài.23


1 Khoản 8 Điều 3 Luật Đầu tư 2020:

“8. Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh”

2 Điều 4. Áp dụng Luật Đầu tư và các luật có liên quan

“3. Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Đầu tư và luật khác đã được ban hành trước ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành về trình tự, thủ tục đầu tư kinh doanh, bảo đảm đầu tư thì thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư, trừ các trường hợp sau đây:
a) Việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
b) Thẩm quyền, trình tự, thủ tục đầu tư công và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư công thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công;
c) Thẩm quyền, trình tự, thủ tục đầu tư, thực hiện dự án; pháp luật điều chỉnh hợp đồng dự án; bảo đảm đầu tư, cơ chế quản lý vốn nhà nước áp dụng trực tiếp cho dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư;
d) Việc triển khai dự án đầu tư xây dựng, nhà ở, khu đô thị thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư;
đ) Thẩm quyền, trình tự, thủ tục, điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Dầu khí;
e) Thẩm quyền, trình tự, thủ tục, điều kiện đầu tư kinh doanh, hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán trên thị trường chứng khoán Việt Nam thực hiện theo quy định của Luật Chứng khoán.”

3 Khoản 1 Điều 6 Luật Đầu Tư 2020:

“1. Cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:
a) Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật này;
b) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật này;
c) Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này;
d) Kinh doanh mại dâm;
đ) Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;
e) Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
g) Kinh doanh pháo nổ;
h) Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.”

4 Quy định tại phụ lục IV của Luật Đầu tư 2020

5 Căn cứ Phụ lục IV của Luật Đầu Tư 2020, ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc nhóm ngành, nghề dịch vụ bao gồm:

Kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại
Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ
Kinh doanh dịch vụ Lô-gi-stíc
Kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản
Kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, vận hành nhà chung cư
Kinh doanh dịch vụ tư vấn lập quy hoạch đô thị do tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện.
Kinh doanh dịch vụ xét nghiệm HIV
Kinh doanh dịch vụ ngân hàng mô
Kinh doanh dịch vụ hỗ trợ sinh sản, lưu giữ tinh trùng, lưu giữ phôi
Kinh doanh dịch vụ xét nghiệm vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm
Kinh doanh dịch vụ tiêm chủng
Kinh doanh dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế
Kinh doanh dịch vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ
Kinh doanh dịch vụ kiểm định trang thiết bị y tế
Kinh doanh dịch vụ giới thiệu sản phẩm quảng cáo đến công chúng

6 Căn cứ Phụ lục IV của Luật Đầu Tư 2020, ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc nhóm ngành , nghề khác bao gồm:

Kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế
Hoạt động của cơ sở phân loại trang thiết bị y tế
Sản xuất mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy
Kinh doanh chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải
Sản xuất, sửa chữa chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (chai LPG)
Nhượng quyền thương mại

7 Căn cứ Phụ lục IV của Luật Đầu Tư 2020, ngành nghề kinh doanh được sửa đổi bao gồm:

Môi giới “bảo hiểm, hoạt động phụ trợ” bảo hiểm
Hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến hoạt động mua bán hàng hóa của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài tại Việt Nam
Kinh doanh dịch vụ cai nghiện ma tuý tự nguyện, cai nghiện thuốc lá, điều trị HIV/AIDS, chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em
Kinh doanh vận tải biển
Kinh doanh dịch vụ kiểm định xây dựng
Kinh doanh dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền
Nuôi, trồng các loài thực vật, động vật hoang dã thuộc các Phụ lục của Công ước CITES và danh mục thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm
Nuôi động vật rừng thông thường
Xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, quá cảnh và nhập nội từ biển mẫu vật từ tự nhiên của các loài thuộc các Phụ lục của Công ước CITES và danh mục thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm
Xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu mẫu vật nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo của các loài thuộc các Phụ lục của Công ước CITES và danh mục thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm
Kinh doanh chăn nuôi trang trại
Kinh doanh dịch vụ đại diện quyền sở hữu trí tuệ (bao gồm dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp và dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng)
Kinh doanh dịch vụ phát hành và phổ biến phim
Cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng.

8 Căn cứ Phụ lục IV của Luật Đầu Tư 2020, ngành nghề kinh doanh có điều kiện được bổ sung bao gồm:

Kinh doanh dịch vụ cai nghiện thuốc lá, điều trị HIV/AISD, chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em;
Kinh doanh nước sạch (nước sinh hoạt);
Kinh doanh dịch vụ kiến trúc;
Đăng kiểm tàu cá;
Đào tạo, bồi dưỡng thuyền viên tàu cá…

9 Khoản 1 Điều 16 Luật Đầu tư 2020:

Giáo dục đại học;
Sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ về khoa học và công nghệ;
Sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển;
Bảo quản thuốc, sản xuất trang thiết bị y tế;
Sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành.

10 Điều 15 Luật Đầu tư 2020:

Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này;
Dự án đầu tư tại địa bàn ưu đãi đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này;
Dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời có một trong các tiêu chí sau: có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng mỗi năm trong thời gian chậm nhất sau 03 năm kể từ năm có doanh thu hoặc sử dụng trên 3.000 lao động;
Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên; dự án đầu tư sử dụng lao động là người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật;
Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ; dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, pháp luật về khoa học và công nghệ; doanh nghiệp sản xuất, cung cấp công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển;
Đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

11 Điều 43 Luật Đầu tư 2020:

Nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê;
Nhà đầu tư trúng đấu thầu thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất;
Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên cơ sở nhận chuyển nhượng dự án đầu tư đã thực hiện ký quỹ hoặc đã hoàn thành việc góp vốn, huy động vốn theo tiến độ quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trên cơ sở nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất khác.

12 Điều 9. Ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài

“1. Nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Căn cứ luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Chính phủ công bố Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm:
a) Ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường;
b) Ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện.”

13 Điều 23. Thực hiện hoạt động đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài

“1. Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC nếu tổ chức kinh tế đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
b) Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;
c) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.”

14 Điều 24. Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp

“1. Nhà đầu tư có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế.
2. Việc nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các quy định, điều kiện sau đây:
a) Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật này;
b) Bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật này;
c) Quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.”

15 Khoản 1 Điều 29 Luật Đầu tư 2020

“Điều 29. Lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư
1. Lựa chọn nhà đầu tư được tiến hành thông qua một trong các hình thức sau đây:
a) Đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
b) Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
c) Chấp thuận nhà đầu tư theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.”

16 Khoản 1 Điều 41 Luật Đầu tư 2020

Điều 41. Điều chỉnh dự án đầu tư
1. Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, nhà đầu tư có quyền điều chỉnh mục tiêu, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư, sáp nhập các dự án hoặc chia, tách một dự án thành nhiều dự án, sử dụng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất thuộc dự án đầu tư để góp vốn thành lập doanh nghiệp, hợp tác kinh doanh hoặc các nội dung khác và phải phù hợp với quy định của pháp luật.

17 Khoản 4 Điều 41 Luật Đầu tư 2020

“4. Đối với dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư không được điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư quá 24 tháng so với tiến độ thực hiện dự án đầu tư quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu, trừ một trong các trường hợp sau đây:
a) Để khắc phục hậu quả trong trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật về đất đai;
b) Điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư do nhà đầu tư chậm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;
c) Điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước hoặc cơ quan nhà nước chậm thực hiện thủ tục hành chính;
d) Điều chỉnh dự án đầu tư do cơ quan nhà nước thay đổi quy hoạch;
đ) Thay đổi mục tiêu đã được quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư; bổ sung mục tiêu thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư;
e) Tăng tổng vốn đầu tư từ 20% trở lên làm thay đổi quy mô dự án đầu tư.”

18 Khoản 4 Điều 44 Luật Đầu tư 2020

“4. Khi hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư mà nhà đầu tư có nhu cầu tiếp tục thực hiện dự án đầu tư và đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật thì được xem xét gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư nhưng không quá thời hạn tối đa quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, trừ các dự án đầu tư sau đây:
a) Dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên;
b) Dự án đầu tư thuộc trường hợp nhà đầu tư phải chuyển giao không bồi hoàn tài sản cho Nhà nước Việt Nam hoặc bên Việt Nam.”

19 Khoản 2 Điều 48 Luật Đầu tư 2020

“2. Cơ quan đăng ký đầu tư chấm dứt hoặc chấm dứt một phần hoạt động của dự án đầu tư trong các trường hợp sau đây:
a) Dự án đầu tư thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 47 của Luật này mà nhà đầu tư không có khả năng khắc phục điều kiện ngừng hoạt động;
b) Nhà đầu tư không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư và không thực hiện thủ tục điều chỉnh địa điểm đầu tư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản này;
c) Dự án đầu tư đã ngừng hoạt động và hết thời hạn 12 tháng kể từ ngày ngừng hoạt động, cơ quan đăng ký đầu tư không liên lạc được với nhà đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của nhà đầu tư;
d) Dự án đầu tư thuộc trường hợp bị thu hồi đất do không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai;
đ) Nhà đầu tư không ký quỹ hoặc không có bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ theo quy định của pháp luật đối với dự án đầu tư thuộc diện bảo đảm thực hiện dự án đầu tư;
e) Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trên cơ sở giao dịch dân sự giả tạo theo quy định của pháp luật về dân sự;
g) Theo bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết trọng tài.”

20 Điều 26. Thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp

“1. Nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các điều kiện và thực hiện thủ tục thay đổi thành viên, cổ đông theo quy định của pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế.
2. Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế trước khi thay đổi thành viên, cổ đông nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp làm tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài;
b) Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 của Luật này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của tổ chức kinh tế trong các trường hợp: tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới hoặc bằng 50% lên trên 50%; tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu trên 50% vốn điều lệ trong tổ chức kinh tế;
c) Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.”

21 Điều 34. Trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội

“1. Hồ sơ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 33 của Luật này được gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư.”
Điều 35. Trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ
“1. Hồ sơ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 33 của Luật này được gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư.”

22 Điều 38. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

“2. Đối với dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư quy định tại các điều 30, 31 và 32 của Luật này, nhà đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Dự án đầu tư không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh;
b) Có địa điểm thực hiện dự án đầu tư;
c) Dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch quy định tại điểm a khoản 3 Điều 33 của Luật này;
d) Đáp ứng điều kiện về suất đầu tư trên một diện tích đất, số lượng lao động sử dụng (nếu có);
đ) Đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.”

23 Điều 53. Ngành, nghề cấm đầu tư ra nước ngoài

“1. Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Điều 6 của Luật này và các điều ước quốc tế có liên quan.
2. Ngành, nghề có công nghệ, sản phẩm thuộc đối tượng cấm xuất khẩu theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương.
3. Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.”
Điều 54. Ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện
“1. Ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện bao gồm:
a) Ngân hàng;
b) Bảo hiểm;
c) Chứng khoán;
d) Báo chí, phát thanh, truyền hình;
đ) Kinh doanh bất động sản.”

Related Posts

Leave a Reply