Cháy nổ gây thiệt hại về tài sản cũng như tính mạng con người, vì vậy mỗi cá nhân hay tổ chức, doanh nghiệp đều có trách nhiệm nâng cao ý thức về phòng cháy, chữa cháy để bảo vệ mình cũng như những người xung quanh. Để kịp thời ứng phó với các tình huống cháy, nổ xảy ra tại cơ sở thì việc huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy phải được xem là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng của doanh nghiệp. Vậy pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này, hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu thêm nhé.

1. Căn cứ pháp lý liên quan đến huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy
– Luật phòng cháy chữa cháy 2001;
– Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật phòng cháy và chữa cháy và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật phòng cháy và chữa cháy;
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành trong lĩnh vực an ninh, trật tư, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
2. Đối tượng phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy
– Căn cứ Khoản 1 Điều 33 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, đối tượng phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy bao gồm:
a) Người có chức danh chỉ huy chữa cháy quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001;
b) Thành viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở;
c) Thành viên đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành;
d) Người làm việc trong môi trường có nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thường xuyên tiếp xúc với hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ;
đ) Người điều khiển phương tiện, người làm việc trên phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển hành khách trên 29 chỗ ngồi và phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ;
e) Người làm nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy tại các cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;
g) Thành viên đội, đơn vị phòng cháy và chữa cháy rừng.
3. Nội dung, thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy
– Theo Khoản 2 Điều 33 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định về nội dung huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy bao gồm:
a) Kiến thức pháp luật, kiến thức về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với từng đối tượng;
b) Phương pháp tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy;
c) Biện pháp phòng cháy; biện pháp, chiến thuật, kỹ thuật chữa cháy;
d) Phương pháp xây dựng và thực tập phương án chữa cháy;
đ) Phương pháp bảo quản, sử dụng các phương tiện phòng cháy và chữa cháy;
e) Phương pháp kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
– Thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy được quy định tại Khoản 3 Điều 33 Nghị định 136/2020/NĐ-CP bao gồm:
a) Thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ lần đầu: Từ 16 đến 24 giờ đối với đối tượng quy định tại các điểm a, b, d, đ, e và điểm g Khoản 1 Điều 33 Nghị định 136/2020/NĐ-CP và từ 32 đến 48 giờ đối với đối tượng quy định tại điểm c Khoản 1 Điều này;
b) Thời gian huấn luyện lại để được cấp Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy sau khi chứng nhận này hết thời hạn sử dụng tối thiểu là 16 giờ đối với các đối tượng quy định tại các điểm a, b, d, đ, e và điểm g khoản 1 Điều 33 Nghị định 136/2020/NĐ-CP và 32 giờ đối với đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
c) Thời gian bồi dưỡng bổ sung hàng năm về nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy tối thiểu 08 giờ đối với đối tượng quy định tại điểm a, b, d, đ, e và điểm g khoản 1 Điều 33 Nghị định 136/2020/NĐ-CP và tối thiểu 16 giờ đối với đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.
4. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy
Với tính chất nguy hiểm về tính mạng, tài sản trước các vụ cháy, nổ và sự đa dạng đối với các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ nên cơ quan công an có thẩm quyền có sự phân cấp rõ ràng về việc quản lý phòng cháy, chữa cháy. Từ đó dẫn đến thủ tục xin cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy khác nhau.
Xem thủ tục chi tiết tại đây:
– Cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy (cấp trung ương)
– Cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy (cấp tỉnh)
– Cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy (cấp huyện)
5. Một số vấn đề cần lưu ý về giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy
Khi thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy, trước và sau khi được cấp giấy chứng nhận tổ chức cần lưu ý một số vấn đề sau:
– Thứ nhất, theo Khoản 13 Điều 33 Nghị định 136/2020/NĐ-CP thì thẩm quyền cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy như sau:
+ Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;
+ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;
+ Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện.
– Thứ hai, theo Khoản 13 Điều 33 Nghị định 136/2020/NĐ-CP Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy do Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện cấp và có giá trị sử dụng trên phạm vi cả nước trong thời hạn 05 năm kể từ ngày cấp. Hết thời hạn này, phải huấn luyện lại để được cấp Chứng nhận mới.
– Thứ ba, theo Khoản 6 Điều 33 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, trường hợp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy bị hư hỏng thì tổ chức gửi đơn đề nghị xin cấp đổi Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy.
Xem thủ tục:
– Cấp đổi chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy(cấp trung ương)
– Cấp đổi chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy (cấp tỉnh)
– Cấp đổi chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy (cấp huyện)
– Thứ tư, Trường hợp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy bị mất thì tổ chức gửi Đơn đề nghị xin cấp lại Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy.
Xem thủ tục:
– Cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy (cấp tỉnh)
– Cấp lại chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy (cấp huyện)
– Thứ năm, căn cứ theo Khoản 2, Khoản 3 Điều 46 Nghị định 144/2021/NĐ-CP
+ Doanh nghiệp có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật;
b) Sử dụng người chưa được cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy hoặc chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy đã hết thời hạn làm lực lượng chữa cháy cơ sở, chuyên ngành, người điều khiển, người làm việc, người phục vụ trên phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển hành khách trên 29 chỗ ngồi hoặc trên phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ hoặc làm việc trong môi trường nguy hiểm cháy, nổ hoặc thường xuyên tiếp xúc các hàng hóa nguy hiểm cháy, nổ;
+ Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định.
Có thể bạn quan tâm:
– Kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy và những điều cần biết
– Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy
– Quy định về công tác huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Nguồn: https://bachkhoaluat.vn/cam-nang/18641/huan-luyen-boi-duong-nghiep-vu-phong-chay-chua-chay-va-nhung-dieu-can-biet