Xuất nhập khẩu đang là một ngành nghề có sức nóng nhất định do sự thúc đẩy của nền kinh tế hội nhập toàn cầu ngày càng mạnh mẽ. Đặc biệt là thị trường nhập khẩu ô tô cũng đang phát triển nhanh chóng khi nhu cầu cũng như mức sống của người dân được tăng lên. Và một doanh nghiệp nếu muốn tham gia vào thị trường nhập khẩu ô tô để kinh doanh thì cần phải đáp ứng được những điều kiện như thế nào, cần phải trải qua thủ tục gì để được phép kinh doanh nhập khẩu ô tô theo đúng với quy định của pháp luật hiện hành. Vậy thì hãy theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu về vấn đề này nhé.
Ảnh minh hoạ
1. Khái niệm liên quan đến nhập khẩu ô tô
1.1 Ô tô là gì
Ô tô là loại phương tiện đường bộ chạy bằng động cơ, di chuyển thông qua bốn bánh xe. Tên gọi ô tô là từ nhập theo tiếng Pháp & tiếng La tinh có nghĩa là “tự thân vận động” thể hiện mục tiêu vào thời điểm đó là tìm ra loại phương tiện di chuyển không phụ thuộc vào sức kéo động vật.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 116/2017/NĐ-CP có định nghĩa về ô tô:
“Ô tô là loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm các chủng loại ô tô con, ô tô khách, ô tô tải và ô tô chuyên dùng được định nghĩa tại TCVN 6211: Phương tiện giao thông đường bộ – Kiểu – Thuật ngữ và định nghĩa; TCVN 7271: Phương tiện giao thông đường bộ – Ô tô – Phân loại theo mục đích sử dụng và ô tô sát xi.”
Và tại TCVN6211:2003 định nghĩa về ô tô như sau:
“Là loại phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ có từ bốn bánh xe trở lên(1), không chạy trên đuờng ray và thường được dùng để:
– Chở người và /hoặc hàng hóa;
– Kéo các rơ moóc, sơmi rơ moóc;
– Thực hiện chức năng, công dụng đặc biệt.”
1.2 Nhập khẩu khẩu là gì
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 28 Luật Thương mại 2005 định nghĩa về nhập khẩu như sau:
“Nhập khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.”
2. Căn cứ pháp luật liên quan đến nhập khẩu ô tô
Nghị định 116/2017/NĐ-CP về quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô
Nghị định 17/2020/NĐ-CP sửa đổi nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương
3. Điều kiện để kinh doanh nhập khẩu ô tô
3.1 Điều kiện chung để kinh doanh nhập khẩu ô tô
Căn cứ theo quy định tại Điều 14 Nghị định 116/2017/NĐ-CP về điều kiện chung để kinh doanh nhập khẩu ô tô như sau:
– Chỉ doanh nghiệp mới được xem xét cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô.
– Doanh nghiệp được quyền nhập khẩu ô tô sau khi đáp ứng các điều kiện và được cấp. Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô theo quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP.
– Doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải tuân thủ các quy định về quản lý nhập khẩu ô tô tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan.
Như vậy, chỉ có chủ thể là doanh nghiệp mới được xem xét cấp Giấy phép này. Và để thành lập doanh nghiệp thì cần tuân thủ những quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản pháp luật có liên quan.
Xem thêm TTHC:
Đăng ký thành lập mới công ty TNHH một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu
Đăng ký thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên
Đăng ký thành lập công ty cổ phần
3.2 Điều kiện kinh doanh nhập khẩu ô tô
Căn cứ vào quy định tại Điều 15 Nghị định 116/2017/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh nhập khẩu ô tô như sau:
– Doanh nghiệp thành lập theo quy định của pháp luật được cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô khi đáp ứng các điều kiện sau:
+ Có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô thuộc sở hữu của doanh nghiệp, hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê, hoặc thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của doanh nghiệp đáp ứng quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP.
+ Có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam.
4. Hồ sơ cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô
Căn cứ tại khoản 2 Điều 16 Nghị định 116/2017/NĐ-CP về hồ sơ cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô như sau:
– Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô (Mẫu số 05 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 116/2017/NĐ-CP): 01 bản chính;
– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương: 01 bản sao;
– Tài liệu chứng minh doanh nghiệp đáp ứng điều kiện nhập khẩu ô tô quy định tại Điều 15 Nghị định 116/2017/NĐ-CP, cụ thể:
+ Tài liệu chứng minh doanh nghiệp có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đáp ứng điều kiện quy định tại Nghị định này: 01 bản sao.
+ Văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 116/2017/NĐ-CP đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật: 01 bản sao.
5. Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô
Trình tự thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô được quy định chi tiết tại khoản 2 Điều 16 Nghị định 116/2017/NĐ-CP.
Xem thêm TTHC: Cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô
6. Một số lưu ý liên quan đến cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô
– Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô được cấp đổi trong trường hợp có sự thay đổi về nội dung thông tin ghi trên Giấy phép. Trình tự thủ tục Cấp đổi giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô được thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP.
Xem thêm TTHC: Cấp đổi Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô
– Trường hợp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô bị mất hoặc bị hỏng. Doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục cấp lại Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô theo đúng quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP.
Xem thêm TTHC: Cấp lại Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô
– Sau khi được cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô, doanh nghiệp phải nghiêm chỉnh thực hiện các quy định liên quan cũng như thực hiện đúng trách nhiệm được quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP như sau:
+ Duy trì các điều kiện kinh doanh và bảo đảm việc thực hiện trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi, thu hồi ô tô nhập khẩu theo quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP.
+ Cung cấp cho người mua các tài liệu, giấy tờ sau:
a) Tài liệu hướng dẫn sử dụng ô tô bằng tiếng Việt của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài hoặc được dịch sang tiếng Việt từ tài liệu hướng dẫn sử dụng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài;
b) Sổ bảo hành nêu rõ các thông tin về thời hạn và điều kiện bảo hành; chu kỳ và nội dung công việc bảo dưỡng; địa chỉ cơ sở bảo hành, bảo dưỡng và các thông tin cần thiết khác phục vụ việc bảo hành, bảo dưỡng.
c) Báo cáo Bộ Công Thương trước ngày 30 tháng 01 hàng năm về tình hình nhập khẩu ô tô của năm trước đó (Mẫu số 11 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 116/2017/NĐ-CP).
Có thể bạn quan tâm:
Mua bán xe ô tô, thủ tục sang tên xe ô tô theo quy định mới nhất 2021
Giá tính thuế trước bạ của ô tô và xe máy áp dụng từ ngày 01/03/2022
Điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô
Nguồn: https://bachkhoaluat.vn/cam-nang/16079/thu-tuc-cap-giay-phep-kinh-doanh-nhap-khau-o-to-moi-nhat