Ngày này, các dự án bất động sản đang trên đà phát triển mạnh mẽ, thu hút các nhà đầu tư không chỉ trong nước mà còn các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, môi giới bất động sản là một nghành nghề thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhờ có những bên môi giới mà các giao dịch liên quan đến bất động sản được thuận lợi hơn đáng kể. Vậy, để các nhà đầu tư nước ngoài muốn thành lập công ty môi giới bất động sản tại Việt Nam cần phải đáp ứng những điều kiện gì và thực hiện như thế nào? Hãy cùng Bách Khoa Luật tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!
1. Công ty môi giới bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài là gì?
Căn cứ Khoản 2 Điều 3 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 định nghĩa như sau: “Môi giới bất động sản là việc làm trung gian cho các bên trong mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản.”
Và, căn cứ Khoản 1 Điều 3 Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Môi giới bất động sản là một trong những hoạt động kinh doanh bất động sản.
Căn cứ Khoản 19, 22 Điều 3 Luật đầu tư 2020, nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được hiểu như sau:
(i) Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
(ii) Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.
Từ các định nghĩa trên, có thể hiểu Công ty môi giới bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài là công ty hoạt động trung gian cho các bên trong việc mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản. Và doanh nghiệp này do có nhà đầu tư nước ngoài là cổ đông hoặc thành viên.
2. Căn cứ pháp lý liên quan đến thành lập công ty môi giới bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài
Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật đầu tư;
Luật kinh doanh bất động sản 2014;
3. Điều kiện thành lập công ty môi giới bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài
3.1 Điều kiện của tổ chức kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản
Căn cứ Điều 62 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định điều kiện như sau:
Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản phải thành lập doanh nghiệp và phải có ít nhất 02 người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.
3.2 Điều kiện thành lập tổ chức kinh tế
Căn cứ theo Điều 22 Luật đầu tư 2020, nhà đầu tư thành lập tổ chức kinh tế hoạt động môi giới bất động sản như sau:
Thứ nhất, đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật đầu tư 2020;
Thứ hai, trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
3.3 Điều kiện tiếp cận thị trường
Căn cứ Điều 9 Luật Đầu tư 2020, Điều 15, 16 Nghị định 31/2021/NĐ-CP và Phụ lục I Nghị định 31/2021/NĐ-CP danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, Kinh doanh bất động sản (cụ thể là dịch vụ môi giới bất động sản) thuộc nghành nghề kinh doanh tiếp cận thị trường có điều kiện.
Để thành lập công ty môi giới bất động sản, theo đó các điều kiện đối với ngành, nghề kinh doanh bất động sản (cụ thể là môi giới bất động sản) trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cần được đáp ứng. Căn cứ theo Điều ước quốc tế WTO cũng như các hiệp định song phương, đa phương mà Việt Nam là thành viên, lĩnh vực kinh doanh bất động (cụ thể là môi giới bất động sản) chưa được Việt Nam cam kết tại các Điều ước quốc tế.
Căn cứ Khoản 3 ,4 Điều 17 Nghị định 31/2021/NĐ-CP về nguyên tắc áp dụng hạn chế về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài thì:
“3. Đối với các ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại Mục B Phụ lục I của Nghị định này, nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường được đăng tải theo quy định tại Điều 18 Nghị định 31/2021/NĐ-CP này”.
“4. Điều kiện tiếp cận thị trường đối với các ngành, nghề Việt Nam chưa cam kết về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng như sau:
a) Trường hợp các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ (sau đây gọi chung là pháp luật Việt Nam) không có quy định hạn chế tiếp cận thị trường đối với ngành, nghề đó thì nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước;
b) Trường hợp pháp luật Việt Nam đã có quy định về hạn chế tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài đối với ngành, nghề đó thì áp dụng quy định của pháp luật Việt Nam.”
Do vậy, việc thành lập công ty môi giới bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài cần đáp ứng các điều kiện của pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Trên thực tế đối với các ngành, nghề mà Việt Nam chưa đưa ra cam kết tại các Điều ước quốc tế, khi thực hiện các thủ tục về đầu tư tại cơ quan có thẩm quyền ở địa phương thì theo đó các cơ quan này đều có công văn hỏi ý kiến các bộ ban ngành về từng trường hợp cụ thể.
4. Thủ tục thành lập công ty môi giới bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài
Bước 1. Căn cứ điểm a Khoản 1 Điều 37 Luật đầu tư 2020, Nhà đầu tư nước ngoài cần xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để thành lập công ty môi giới bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài.
Bước 2. Sau khi đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (IRC), Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp. Nhà đầu tư lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp và thực hiện theo đúng trình tự thủ tục theo quy định pháp luật.
TTHC liên quan:
Đăng ký thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;
Đăng ký thành lập công ty cổ phần
Đăng ký thành lập công ty hợp danh
Cấp mới chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản
5. Những điều cần lưu ý khi thành lập công ty môi giới bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài
5.1 Doanh nghiệp luôn có ít nhất 02 người có chứng chỉ môi giới bất động sản.
5.2 Doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản được hưởng tiền thù lao môi giới từ khách hàng không phụ thuộc vào kết quả giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản giữa khách hàng và người thứ ba.
5.3 Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản được hưởng hoa hồng môi giới khi khách hàng ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản.
5.4 Doanh nghiệp kinh doanh môi giới bất động sản có nghĩa vụ cung cấp hồ sơ, thông tin về bất động sản do mình môi giới và chịu trách nhiệm về hồ sơ, thông tin do mình cung cấp; hỗ trợ các bên trong việc đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật và chịu sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra; thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước và các nghĩa vụ khác trong hợp đồng đã giao kết.
Nguồn: https://bachkhoaluat.vn/cam-nang/15980/thu-tuc-thanh-lap-doanh-nghiep-moi-gioi-bat-dong-san-co-von-dau-tu-nuoc-ngoai-moi-nhat